Nội dung bài viết
Góc nhìn của chuyên gia về tình hình chứng khoán Việt Nam sau dịch
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19, nền kinh tế toàn cầu “nội thương” nghiêm trọng. Các kênh đầu tư tài chính không chạy khỏi bàn tay quyền lực của “Cô Vi”. Còn giới đầu tư chứng khoán cũng đứng ngồi không yên như đang ngồi trên đống lửa bởi sự lao dốc của thị trường.
1/ Thị trường chứng khoán 2020 chao đảo vì Covid – 19
Lao dốc, hồi nhẹ rồi lại tiếp tục lao dốc, đây chính là thực trạng của thị trường chứng khoán (TTCK) vào giai đoạn này.
TTCK Việt Nam đã có những phiên giao dịch giảm mạnh nhất trong lịch sử. Điển hình vào ngày 09/03/2020 VN-Index giảm 6,3%, HNX-Index giảm 6,4%.
Đây có thể coi là mức giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch của chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2001 đến nay.
Tuy nhiên, TTCK của bây giờ khác xa với 19 năm trước đây bởi khi đó sàn chứng khoán TP.HCM chỉ mới có 5 cổ phiếu đang giao dịch.
Nhà đầu tư (NĐT) đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây bởi tốc độ lao dốc không phanh của cổ phiếu.
Chỉ với 4 phiên giao dịch, chỉ số của VN-Index đã mất đến 122,19 điểm tương đương với giảm 13,7%.
Quy mô vốn hóa của sàn HOSE cũng giảm 417.500 tỷ đồng, tương đương gần 18 tỷ USD.
Ngoài nguyên nhân chính đến từ đại dịch Covid-19 thì TTCK cũng bị tác động cộng hưởng từ sự suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Điển hình như giá dầu thô của Mỹ giảm tới 15,5% tương đương gần 20 USD/thùng, mức thấp kỷ lục trong vòng 18 năm qua.
Giá dầu hiện tại rẻ hơn thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giá dầu liên tục giảm mạnh đã tác động tiêu cực lên các cổ phiếu (CP) nhóm dầu khí.
Các bluechip trong ngành như GAS, PVS, PVD, PVB, PVC vì thế cũng không thể tránh khỏi đà lao dốc.
Các mã chứng khoán lĩnh vực hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hàng loạt chuyến bay bị tuyên bố hủy bỏ trước việc hạn chế du lịch toàn cầu…
Đối với Việt Nam thì bức tranh của thị trường cổ phiếu đang ở giai đoạn khó khăn, đặc biệt sau phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử vào ngày 09/03.
Sau 5 phiên giảm liên tiếp, VN-Index đã đảo chiều hồi phục nhẹ.
Tuy nhiên, khối ngoại vẫn là yếu tố gây cản trở thị trường khi tiếp tục đẩy mạnh bán ròng.
Từ sau Tết Nguyên đán, khối ngoại đã bán ròng trọn cả 7 tuần giao dịch trên sàn HOSE với giá trị tổng cộng 5.757 tỷ đồng.
Trong tháng 2, khối ngoại bán ròng lên tới 2.802,5 tỷ đồng, mức bán kỷ lục trong 1 tháng kể từ năm 2010 tới nay.
Ngay cả phiên 18/3, khi VN-Index tăng điểm, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng, lên tới gần 700 tỷ đồng.
Tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index tiếp tục để mất hơn 52 điểm, tương ứng giảm 6,8% và rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm khi xuyên thủng ngưỡng 710 điểm.
Trong phiên sáng đầu tuần ngày 23/3/2020, áp lực bán ồ ạt diễn ra trên diện rộng khiến hàng trăm mã giảm điểm, trong đó có gần 100 mã giảm sàn, khiến chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 40 điểm và thủng mốc 670 điểm…
Thị trường chứng khoán được dự báo vẫn chịu những tác động nhất định nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Theo VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), tuy xuất hiện đà bán tháo trên thị trường, nhất là từ khối ngoại, nhưng thị trường Việt Nam không chịu cảnh rút vốn nặng nề như các thị trường khác trong khu vực.
Xem thêm: Tìm hiểu về kênh đầu tư mới mang tên Bảo hiểm liên kết đầu tư
2/ Cơ hội hay thách thức cho các nhà đầu tư vào giai đoạn này?
Mặc dù TTCK ở thời điểm hiện tại vẫn sẽ bị tác động nếu dịch bệnh vẫn cứ diễn biến phức tạp.
Thì bằng góc nhìn tích cực của các chuyên gia kinh tế lại cho rằng “thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện nay lại mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn”.
Với các nhà đầu tư dài hạn, thị trường chứng khoán hiện nay là cơ hội tốt khi giá CP đã giảm mạnh, xoay quanh giá trị thực. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20 – 30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi thị trường về sát vùng hỗ trợ 700 điểm.
Nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc các ngành ít bị tác động của dịch Covid-19 như ngành công nghệ, tiêu dùng thiết yếu, phân bón, các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 qua đi như ngành thủy sản
Dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và những phản ứng của TTCK thì khả năng hồi phục của thị trường sẽ cao bởi sự tăng gia sản xuất và những chính sách của Chính phủ.
Điều này có nghĩa là nền kinh tế sẽ đi vào quỹ đạo và hồi phục bình thường, bên cạnh đó cũng sẽ có những sản phẩm thích nghi ra đời.
Liệu đây có phải cơ hội mới sắp bắt đầu để nhà đầu tư “rót tiền” vào lĩnh vực này?
Ngoại trừ những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 thì kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm tích cực cho TTCK.
Thứ nhất là kế hoạch giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh bởi Chính phủ đã đề ra từ năm ngoái.
Thứ hai, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chỉ còn chờ Quốc hội họp thông qua, sẽ kéo theo triển vọng tốt và hỗ trợ cho rất nhiều ngành từ xuất khẩu dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản…
Các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn có thể đẩy mạnh mua cổ phiếu trong thời điểm giá cả hàng hóa và sản phẩm tài chính đang ở mặt bằng khá rẻ nhằm tích lũy tài sản ở vùng giá hợp lý.
Xem thêm: Những điều được và mất khi đầu tư vàng. Nên đầu tư dài hạn hay ngắn hạn
3/ Góc nhìn và bài toán đầu tư từ chuyên gia
Với tình hình nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh như hiện nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã chi hàng tỷ đồng để gom mua cổ phiếu.
Ông Nguyễn Trần Trung Sơn – con trai ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (cổ phiếu NVB) đã mua vào 8,01 triệu cổ phiếu NVB trong tổng số 8,2 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó.
Giao dịch được thực hiện ngày 24 đến 25.2. Sau giao dịch ông Trung Sơn nâng lượng sở hữu cổ phiếu NVB lên 9,16 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 2,25%.
Trong hai ngày 24 – 25.2, có hơn 8,5 triệu cổ phiếu NVB được giao dịch thỏa thuận với giá bình quân 8.217 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo giá này, ông Nguyễn Trần Trung Sơn đã chi khoảng 66 tỉ đồng để mua số cổ phiếu trên. Cổ phiếu NVB hiện có giá 8.700 đồng, giảm gần 8% so với đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, con gái Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (cổ phiếu AMV) đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu AMV, tương đương 5,3% vốn.
Giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 2.3 đến 1.4. Trước đó, bà Quỳnh Anh không phải là cổ đông của công ty.
Nếu tính theo giá đóng cửa hiện nay là 19.100 đồng, bà Quỳnh Anh cần chi ra hơn 38 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu đăng ký. Hiện tại giá AMV đã giảm 22% so với đầu năm.
Xem thêm: Nên làm gì trong bối cảnh đại dịch Covid 19
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá, vì thị trường có thể đã ở gần đáy ngắn hạn, nên chờ đợi nhịp phục hồi để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ trọng tiền mặt và đặc biệt hạn chế sử dụng tiền vay để giảm thiểu rủi ro.
Trên thế giới, nhiều nhà đầu tư gạo cội như Warren Buffett hay Jim Rogers đều tận dụng các nhịp giảm mạnh của thị trường để mua vào. Tất nhiên, không ít doanh nghiệp bị tác động bởi dịch có thể không thể phục hồi. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và thị phần lớn. Các doanh nghiệp này sẽ có đủ tiềm lực để sống cùng dịch và khi dịch qua đi, họ mới chính là những doanh nghiệp có cơ cơ hội bán hàng mạnh mẽ nhất và phát triển nhất.
Có thể thấy TTCK thời điểm hiện tại là sân chơi cho các nhà đầu tư dài hạn, và mặc dù thị trường đang bị tác động bởi dịch bệnh và tình hình kinh tế, nhưng các nhà đầu tư dài hạn vẫn bỏ ra một số tiền lớn để tích trữ trong giai đoạn này.
TTCK phản ánh sức khỏe và trạng thái của nền kinh tế, do đó, một nền kinh tế có các cân đối vĩ mô ổn định và triển vọng tăng trưởng cao sẽ là tiền đề để TTCK phát triển lành mạnh.
Bạn đang theo dõi bài viết “Chứng khoán thời Covid – Cơ hội hay thách thức cho các nhà đầu tư?”. Để lại email An Khang Real sẽ luôn cập nhật những bài viết phân tích mới nhất về thị trường đến bạn.
CẬP NHẬT THỊ TRƯỜNG
CHỈ VỚI 1 LẦN ĐĂNG KÝ MIỄN PHÍ
*Mọi thông tin sẽ được bảo mật